Ớt là một loại gia vị giúp gia tăng hương vị món ăn. Tuy nhiên, ăn ớt quá nhiều liệu có gây hại cho dạ dày của bạn hay không? Xem ngay giải đáp dưới đây nhé.
Ớt thường được dùng như một loại gia vị giúp cho các món ăn thêm phần đậm đà. Ăn ớt với lượng phù hợp có thể giúp chống lại các tế bào ung thư, hỗ trợ giảm huyết áp, giảm béo, giúp lưu thông máu,… Thế nhưng, việc lạm dụng ớt thường xuyên thì thế nào? Ăn ớt quá nhiều liệu có gây hại cho dạ dày hay không? Cùng tìm hiểu nhé.
Ăn nhiều ớt có gây hại dạ dày không?
Vị cay trong quả ớt mà chúng ta cảm nhận được chính là chất capsaicin (hợp chất gây đỏ, nóng). Tuy capsaicin gây nóng khi tiếp xúc nhưng nếu ăn ớt với số lượng vừa phải thì dạ dày vẫn có thể tự bảo vệ.
Ngược lại, nếu ăn quá nhiều ớt có thể tạo tác dụng ngược và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi dạ dày bị tổn thương do ớt có thể xuất hiện các phản ứng như: Dạ dày bị viêm, xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn ói, ợ chua, bị nóng rát hoặc dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, bỏng rát sau xương ức. Trong một vài trường hợp, ăn quá nhiều ớt còn khiến hệ tiêu hóa, đường ruột bị ảnh hưởng, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,…
Người bị bệnh viêm loét dạ dày hay các bệnh liên quan đến dạ dày khác cũng cần thận trọng khi dùng ớt vì chúng có thể làm khởi phát cơn đau dạ dày và khiến vùng viêm loét rộng hơn.
Do đó, bạn nên hạn chế ăn quá nhiều ớt để tránh những ảnh hưởng không tốt đối với dạ dày nói riêng và sức khỏe nói chung nhé.
Một số lưu ý khi ăn ớt để bảo vệ sức khỏe
Bên cạnh việc ăn nhiều ớt bị đau dạ dày, các chuyên gia cũng chỉ ra một số lưu ý sau khi ăn ớt để bảo vệ sức khỏe:
- Không nên ăn quá nhiều ớt trong cùng bữa ăn để tránh ảnh hưởng sức khỏe và khiến hương vị món ăn bị lấn át.
- Không ăn ớt khi bụng đói để tránh gây hại cho dạ dày.
- Làm chín ớt trước khi ăn sẽ giúp giảm các kích thích tại niêm mạc miệng cũng như hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy bụng, đau dạ dày.
- Dùng ớt kết hợp với các món ăn khác để giảm tác hại của vị cay.
- Ăn món cay khi nguội để tránh được các tổn hại đến dạ dày, thực quản, vòm họng, phỏng lưỡi và gây tê liệt vị giác tạm thời.
- Để giải nhiệt khi ăn cay, bạn có thể uống sữa tươi, sữa chua, trà giải nhiệt, trà thảo mộc,… hoặc dùng các loại trái cây có vị chua.