• Trang chủ
  • Văn Mẫu
  • Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Giải thích và bình luận
137 lượt xem

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Giải thích và bình luận

Giải thích và bình luận câu nói của Nguyễn Bá Học: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

Ông Nguyễn Bá Học (1857 – 1921), người làng Nhân Mục, tỉnh hà Đông là một nhà giáo và là một văn sĩ. Nhằm dẫn dắt học sinh tiến bước trên con đường tu dưỡng và rèn luyện bản thân, ông viết Lời khuyên học trò. Trong tác phẩm này, để khuyên tuổi trẻ khi làm bất cứ công việc gì cũng phải có ý chí, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đi đến chỗ thành đạt, tác giả viết: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt giải thích từng điểm của lời khuyên ấy và định cho nó một giá trị tư tưởng xác đáng. ‘

Trước tiên, chúng ta phải tìm hiểu vì sao “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi”.

Đây là một cách nói bóng bẩy đầy hình ảnh của nhà văn. Nguyễn Bá Học mượn hình ảnh cụ thể của một con đường, của cuộc hành trình dài gồ ghề, lồi lõm, lên dốc xuống đèo. Không những thế, trên đường lại có biết bao núi cao chắn lối đi. Hết núi lại đến sông, những dòng sông sóng gào, gió thét đến nao lòng. Sông núi ở đây là hình ảnh tượng trưng những trở ngại lớn của hoàn cảnh khách quan. Đứng trước tình huống ấy, người bộ hành có ý chí không cảm thấy nao núng chút nào. Người ấy tìm cách vật lộn với hoàn cảnh, chướng ngại, đóng bè vượt sóng, chống gậy trèo non tiếp tục cuộc hành trình đầy vất vả, gian lao của mình để đi tới đích. Cách nói của Nguyễn Bá Học và hình ảnh “núi cách sông ngăn” trong lời khuyên không khỏi nhắc nhở chúng ta nhớ đến bài thơ Đi đường trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch.

Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Trong phút giây sảng khoái của kẻ thù vào tầm mắt muôn trùng nước non ấy, khách bộ hành bất chợt nhận ra rằng mình đã chiến thắng được núi to sông lớn là nhờ ở chí kiên nhẫn. Thật vậy, nếu đứng trước những hoàn cảnh khó khăn đầy trở ngại, chúng ta không có lòng nhẫn nhục kiên định với ý chí của chính mình, chúng ta sợ hãi thì cuối cùng, hẳn nhiên là chúng ta sẽ chuốc lấy sự thất bại. Xưa nay, tất cả những sự thất bại đau đớn về thể xác cũng như tâm hồn trên đường đời đều thường do lòng người thiếu ý chí mà gây ra cả.

Từ ngàn xưa nếu thiếu lòng nhẫn nại, không có ý chí cương quyết thì đã vắng bóng biết bao sự thành đạt đã có trên đường đời. Phải nhờ có những người thám hiểm đầy gan dạ, không chút nản lòng trước cảnh “núi to”, “sông lớn”, gió thét, sóng gào ngày nay chúng ta mới có được châu Mỹ, Phi-líp-pin. Chính Christiphe Colombo, Magellan đã vượt qua biết bao dặm đường biển, lướt trên sóng dữ gió to, đương đầu với cả những thủy thủ nổi loạn và cả những thổ dân chống phá với bao thử thách cam go. Họ đã thành công nhờ cái chí kiên nhẫn của mình.

Nếu không có lòng nhẫn nại thì Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và đặc biệt là Bác Hồ kính yêu của chúng ta làm sao có thể vượt qua được muôn vàn nỗi khó khăn để xuất ngoại tìm đường cứu nước. Còn sáng ngời mãi hình ảnh Bác Hồ, một người chiến sĩ yêu nước vĩ đại với quyết tâm và nghị lực phi thường, vượt qua mọi trở ngại gian nan, đi khắp bốn biển năm châu để tìm hình của nước.

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba lê
Một viên gạch hồng. Bác chống lại cả một mùa băng giá.
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.
(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

 Hình ảnh của Bác là một bài học lớn cho chúng ta. Lòng nhẫn nại và ý chí cương quyết đã đưa con người đến chỗ thành công.

Vừa rồi chúng ta đã biết được thế nào là đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, tiếp theo đây, chúng ta hãy tìm hiểu vì sao lại khó vì lòng người ngại núi e sông.

Vậy tất cả mọi sự thành bại gì cũng đều do ta cả. Nếu ta có ý chí cương quyết, thì dù đứng trước núi lớn, sông dài, biển rộng, gió gào, sóng thét chi nữa, ta cũng dễ dàng vượt qua. Trái lại, nếu ta thiếu dũng khí “ngại núi e sông” thì khó có thể vượt qua được. Có thể nói ta thắng được mọi chướng ngại của thiên nhiên chính là nhờ ta đã thắng được lòng ta. Biết đặt lý tưởng cao đẹp lên trên hết để chiến thắng lòng sợ hãi, ý khiếp nhược và đi đến chỗ thành công.

Ngay trong thực tế lịch sử của dân tộc ta, một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, và các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống bọn xâm lược. Nếu không nhờ có lòng nhẫn nại, can đảm và ý chí cương quyết, nếu cứ “ngại núi e sông” thì dễ chi đất nước ta, dân tộc ta được tự do, độc lập xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh như hôm nay.

Ý chí mãnh liệt, lòng quyết tâm sâu sắc đó, phải chăng là chất vàng ròng, là hương sen mà nhà thơ Tố Hữu đã có lần ca ngợi:

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm.

Trong giai đoạn đổi mới hiện tại, Tổ quốc giao phó cho mọi người công dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên nhiều trách nhiệm. Dù trách nhiệm đó có to lớn và khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải ra sức phân đấu vượt qua, chiến thắng. Chúng ta nhất định không thể “ngại núi e sông”, không thể nhụt chí mà phải siêng năng, kiên trì và không ngừng sáng tạo góp sức mình xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Nói tóm lại, với một câu nói có kết cấu cân đối, nhịp nhàng, nhiều hình ảnh cụ thể, nhà văn Nguyễn Bá Học đã nêu lên cho chúng ta một chân lý cuộc đời. Đây là một bài học quý báu, một lời nhắc nhở khôn nguôi với mọi người. Từ đó lời khuyên của ông giúp chúng ta luôn luôn rèn luyện nghị lực trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chỉ có sự quyết tâm mới đem lại thành quả mà mình mong muôn chớ còn mãi “ngại núi e sông” thì nhất định đường đi khó mà tới đích.