Nguyễn Tuân và Thạch Lam là hai cây bút tài hoa nở rộ trên văn đàn Việt Nam 1930 – 1945. Trên hành trình tìm kiếm cái Đẹp, hai nhà văn đã mang đến nhiều tác phẩm có những khám phá riêng, độc đáo mà Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và Hai đứa trẻ (Thạch Lam) là hai tác phẩm tiêu biểu nhất. Trong hai truyện ngắn này, nghệ thuật miêu tả tương phản là nghệ thuật đặc sắc để lại những ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh trong lòng người đọc.
Chủ nghĩa lãng mạn là trào lưu văn học phát triển trong khoảng thế kỉ XVIII và XIX ở phương Tây, có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nhiều nền văn học khác trên thế giới, đặc biệt là văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Các nhà văn lãng mạn được tự do thể hiện cái “tôi” cá nhân, tự do biểu hiện lí tưởng chủ quan và tình cảm mãnh liệt. Họ hướng tới khám phá những vẻ đẹp độc đáo, khác thường và kì lạ của cuộc sống. Các nhân vật và tình huống trong tác phẩm thường mang màu sắc lí tưởng hoá, để nhà văn gửi gắm vào đó những tình cảm, tư tưởng và triết lí nhân sinh. Họ thích phóng đại, khoa trương, sử dụng ngôn ngữ tân kì,… Đặc biệt nghệ thuật miêu tả tương phản đã trở thành nghệ thuật điển hình và đặc thù của văn học lãng mạn. Nghệ thuật tương phản thể hiện sự đối lập nhau giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa ước mơ và hiện thực, giữa cái cao cả và cái thấp hèn, cái đẹp và cái xấu, ánh sáng và bóng tối… để từ đó hướng tới khẳng định chiến thắng tuyệt đối của cái đẹp, thiện lương trước cái xấu xa, tàn ác. Bút pháp tương phản làm nổi bật lên đặc điểm của từng đối tượng miêu tả, gây ấn tượng đậm nét cho người đọc.
Với khuynh hướng lãng mạn, văn học lãng mạn đã phát biểu, đề cao và ca ngợi cái đẹp, những giá trị Chân, Thiện, Mĩ. Không nằm ngoài quỹ đạo chung ấy, Nguyễn Tuân và Thạch Lam đã kiếm tìm và chắt chiu cái đẹp từ cuộc đời bình dị. Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và Hai đứa trẻ (Thạch Lam) là những thiên truyện mà ánh sáng của cái đẹp ngời lên giữa những trang văn.
Hai truyện ngắn đều phát hiện và khám phá được sự đối lập nhau giữa tính cách và hoàn cảnh. Với Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã tạo ra một ngục thất tối tăm, thảm đạm và “nhốt” các nhân vật của mình vào trong đó. Đó là nơi ngự trị của những thế lực đen tối. Những nhân vật trong đoản thiên tiểu thuyết gặp nhau trong một cảnh ngộ éo le và nghịch lí. Những Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại, họ trái ngược nhau về giai cấp, họ cách xa nhau trong vị thế xã hội. Một bên là tử tù, chân vướng xiềng, cổ đeo gông, một bên đang nắm trong tay quyền lực. Chính trong cảnh ngộ éo le, các nhân vật đã tự vượt qua rào cản của quyền thế, địa vị để trở thành tri kỉ.
Là một tài tử phương Đông say mê cái Đẹp, Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một cảnh tượng vô cùng độc đáo, cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”: cảnh cho chữ. Đoạn văn là kết tinh chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Ở đây, nghệ thuật tương phản đã được sử dụng một cách đắc địa và hiệu quả, cảnh cho chữ đã hội tụ vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của văn hoá dân tộc. Cái Đẹp đối lập với thực tại tầm thường và xấu xa. Nhân vật Huấn Cao từ một kẻ tử tù bỗng trở nên uy nghi, lẫm liệt. Huấn Cao xuất hiện trong một tư thế phi phàm. Đây là hình ảnh của người nghệ sĩ giữa giây phút sáng tạo đầy thăng hoa. Trong bóng tối của ngục thất, “ánh sáng của bó đuốc tẩm dầu toả ra đỏ rực”. Ngòi bút của Nguyễn Tuân đã vẽ một cách tài hoa, phóng khoáng, hình ảnh Huấn Cao rực sáng về tầm vóc, kích thước, tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Hai nhân vật nắm trong tay quyền lực là thầy thơ lại và viên quản ngục thì “run run bưng chậu mực”, “khúm núm cất những đồng tiền kẽm”. Trong cái hiện thực nghiệt ngã của nhà tù tối tăm, các nhân vật đều sáng lên vẻ đẹp của phẩm chất tâm hồn cao quý. Trong giờ phút cho chữ, họ đã trở thành tri âm, tri kỉ, họ gặp gỡ nhau ở sự đồng điệu của tâm hồn, khí phách, ở sự say mê cái đẹp và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Thủ pháp đối lập được sử dụng một cách triệt để. Cho chữ vốn là một việc thanh cao, một sáng tạo nghệ thuật, với mực thơm, lụa trắng lại diễn ra trong nhà tù buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy những mạng nhện, tổ rệp, phân chuột, phân gián,… Chính từ sự đối lập ngỡ như phi lí, ta chợt nhận ra giữa chốn ngục tù ngột ngạt, không phải kẻ nắm trong tay quyền lực làm chủ mà là người tử tù. Thời khắc Huấn Cao cho chữ là thời khắc đánh dấu cái đẹp được lên ngôi. Tam vị nhân vật nhất thể Nguyễn Tuân đã cùng một lúc đồng hiện đẹp đẽ trên nền hiện thực nhà tù đầy rẫy những cạm bẫy, xấu xa. Đó là khoảnh khắc “ba đốm sáng gặp nhau” (Nguyễn Đăng Mạnh). Khát vọng hướng tới cái Đẹp của các nhân vật đã xoá nhoà đường biên ranh giới của vị thế xã hội. Cái Đẹp, cái Tài và Thiên Lương cao cả luôn song song tồn tại vĩnh hằng. Nghệ thuật hay chính là sáng tạo của cái Đẹp có khả năng cảm hoá con người, dù có sống trong bùn đen nhơ bẩn, khi con người thực sự say mê cái Đẹp thì vẫn luôn khát khao hướng thiện. Điều đó đã khẳng định sự chiến thắng tuyệt đối của cái đẹp trước mọi sự tầm thường, xấu xa của cuộc sống, sự chiến thắng của những phẩm chất cao quý và Thiên Lương trong sáng trước mọi hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã. Cả ba nhân vật trong đoản thiên tiểu thuyết đều là những “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều xô bồ hỗn loạn”. Văn Tâm đã từng nhận xét: “Xây dựng những cốt cách phi phàm, những con người không lồ nhưng có khi phải ngụp lặn dưới đáy xã hội, đó là một đặc trưng nổi bật của bút pháp lãng mạn chủ nghĩa nói chung”. Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại là những mảnh tâm hồn mà Nguyễn Tuân say đắm hoá thân.
Cùng với Nguyễn Tuân, Thạch Lam cũng là một cây bút tài hoa của văn xuôi lãng mạn, luôn biết tìm kiếm và chắt chiu cái đẹp trong cuộc sống bình dị. Đi vào thế giới truyện ngắn của Thạch Lam, ta như được hít thở không khí của “Nắng trong vườn” mát lành và êm dịu. Truyện của Thạch Lam không có những vang động mạnh nhưng lại có sức ám ảnh lạ lùng bởi những số phận, những cảnh đời u ám. Chính từ hiện thực cơ cực, nghèo khổ ấy, Thạch Lam đã phát hiện ra những “hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn” của con người. Trong tiểu luận Theo giòng, Thạch Lam đã từng phát biểu: “Công việc của nhà văn là tìm kiếm những vẻ đẹp chính ở chỗ không ai ngờ tới và dễ che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Dường như tất cả những gì u ám và hiu hắt, những cảnh đời ngặt nghèo, tủn mủn dưới mái lá nát… khi đã đi vào trang viết của Thạch Lam đều thấm đẫm chất thơ, đem đến cho người đọc một cảm giác nhẹ nhõm, thơm lành.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn man mác một hương vị buồn. Cái buồn thấm vào cảnh vật, thấm vào cả tâm hồn con người. Không gian phó huyện tràn ngập trong bóng tối và cái im lìm cố hữu. Mở đầu thiên truyện là âm thanh đều đặn của tiếng trống thu không vang lên mỗi buổi chiều về. Ám ảnh trong Hai đứa trẻ là ám ảnh khôn nguôi về nhịp sống đơn điệu, quẩn quanh. Thạch Lam đã tạo dựng một không gian tối tăm, thời gian lụi tàn, tất cả gọi lên cảnh sống đang tiến dần đến sự tắt lịm. Thiên truyện khiến người đọc phải ái ngại trước cảnh đời lay lắt, buồn tẻ. Hai mẹ con chị Tí ngày nào cũng dọn hàng và chờ khách, gia đình bác xẩm với đứa con bò ra khỏi manh chiếu rách để nghịch rác bẩn vùi trong cát, bà cụ Thi điên nghiện rượu, một cốc rượu cũng uống một hơi cạn sạch,… hai chị em Liên buồn bã trông ra phố huyện đầy tối tăm. Nhịp điệu đều đặn, trầm buồn man mác toả ra từ những câu văn dựng lên một không khí lặng lờ, tù túng. Nó tựa như không khí phả ra từ Toả nhị Kiều của Xuân Diệu. Hiện thực được phác hoạ không gay gắt, không nghiệt ngã mà cứ lưng chừng, bằng bằng, buồn buồn đến nao lòng. Nhưng người ta sẽ dễ quên Thạch Lam nếu suốt thiên truyện chỉ là khung cảnh về những nỗi buồn chạng vạng, những cảnh nhá nhem tăm tối… Chính trong cảnh đời tù túng, nhạt nhẽo, Thạch Lam đã phát hiện ra vẻ đẹp bên trong tâm hồn của những con người nơi phố huyện. Bút pháp tương phản được sử dụng, phục vụ đắc lực cho ý đồ tư tưởng của nhà văn để nhà văn sáng tạo ra chi tiết cuối cùng: cảnh đợi tàu.
Cảnh đợi tàu trong thiên truyện thấm đẫm chất thơ như mang đến giữa cuộc sống tẻ nhạt và tăm tối một thứ ánh sáng xanh huyền diệu. Những mảng sáng, mảng tối chen nhau, đan cài. Từng ấy những con người trong bóng tối, họ thức để đợi đoàn tàu, đợi một chút gì đó mới mẻ, đổi thay cho cuộc sống của họ. Với một lối văn nhuần nhị, tinh tế, Thạch Lam đã đi sâu nắm bắt mọi biến chuyện tinh vi của tâm hồn con người. Bút pháp tương phản được nhà văn sử dụng tài tình, khéo léo. Thạch Lam đã gói ghém những suy nghĩ, tình cảm của mình vào tận cùng của sự đối lập để độc giả đọc được những nỗi niềm sâu kín của nhà văn đối với cuộc đời. Ngòi bút nhân đạo đã đi vào vùng thăm thẳm của thế giói nội cảm để kiếm tìm ước mơ và hi vọng. Dù mắt đã díu cả lại nhưng Liên vẫn gắng gượng để chờ đợi. An trước khi ngủ vẫn còn nhắc chị đánh thức dậy khi chuyến tàu chạy qua. Đoàn tàu gợi lại trong tâm trí của hai chị em Liên về một Hà Nội trong quá khứ êm đềm, đẹp đẽ, một “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực và huyên náo”. Thứ ánh sáng kia khác hẳn với những “hột sáng”, “khe sáng”, “chấm sáng”, khác hẳn thứ ánh sáng leo lét, lờ mờ của ngọn đèn dầu nhà chị Tí. Đoàn tàu đi qua mang theo ánh sáng vào thế giới mờ nhạt của phố huyện một chút gì đó mới mẻ dẫu chỉ là trong khoảnh khắc. Sự xuất hiện của đoàn tàu đêm đi qua phố huyện đã tạo nên sự tương phản nổi bật giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng của đoàn tàu là thứ ánh sáng rực rỡ của những toa hạng trên sang trọng, toa đèn sáng trưng, đồng và kền lấp lánh, nó cũng như một thứ ánh sáng màu nhiệm soi rọi vào tâm linh của con người, giúp họ vượt lên cái “ao đời bằng phẳng” để hướng tới những điều tốt đẹp. Nó là hồi quang của kí ức, là niềm hi vọng le lói, mong manh, là miền sáng lung linh trong tâm tưởng của hai chị em Liên. Nó là nguồn sáng, là điều mong mỏi duy nhất níu giữ hai chị em trong dòng chảy về miền tàn lụi. Một chút xao lòng khi chiều buông, tiếng thở dài nén lại khi Liên động lòng trắc ẩn trước mấy đứa trẻ nhà nghèo, và giờ đây là cảm giác mơ hồ, khó hiểu khi đợi tàu cho tới lúc chuyến tàu đi qua khiến “Liên lặng theo mơ tưởng…”. Như có một thứ ánh sáng huyền diệu toả ra từ tâm hồn cô bé Liên, soi rọi cho một đoản thiên đầy bóng tối. Thạch Lam đã tập trung bút lực để diễn tả những cảm xúc tinh tế và vi diệu trong sâu thẳm tâm hồn nhạy cảm ấy. Dường như Thạch Lam đã lắng hồn mình vào vẻ đẹp lặng lẽ, thanh khiết, vào trái tim đang đập khẽ khàng như cánh bướm non của cô bé để viết bằng thứ mực chắt chiu từ tấm lòng đôn hậu, nồng nàn thương yêu…
Ngòi bút của Nguyễn Tuân và Thạch Lam dường như luôn tìm kiếm và phát hiện tinh tế trong việc miêu tả tính cách, phẩm chất tâm hồn đẹp đẽ của con người trong sự tương phản của ánh sáng và bóng tối.
Thế nhưng với phong cách riêng, mỗi nhà văn lại có lối đi riêng trong cách xử lí mối quan hệ tương phản giữa hoàn cảnh và tính cách, ánh sáng và bóng tối. Nếu như ở Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân sử dụng bút pháp lãng mạn một cách triệt để, để miêu tả những gì độc đáo, phi thường, thì Hai đứa trẻ của Thạch Lam lại đan xen giữa hiện thực và lãng mạn, trang văn viết nên vẫn giàu hương đời, vị đời và tình đời thắm thiết.
Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và Hai đứa trẻ (Thạch Lam) đều thấm đượm màu sắc lãng mạn, thể hiện cái nhìn và ấn tượng riêng, chủ quan của mỗi người nghệ sĩ: một Nguyễn Tuân độc đáo, tài hoa, một Thạch Lam đằm thắm và nồng hậu, thương yêu. Nghệ thuật tương phản đối lập được các nhà văn sử dụng sáng tạo và linh hoạt tạo nên hiệu quả thẩm mĩ và giá trị cho tác phẩm, gieo vào lòng người đọc những cảm nhận thấm thìa về cuộc sống.