Trong cuộc sống, không có việc gì khó. Điều quan trọng là ta cần phải siêng năng, cố gắng, kiên trì, bền bỉ. Đó là châm ngôn sống tôi đã học được qua câu danh ngôn mà tôi rất tâm đắc: “Đường tuy gần, chẳng đi chẳng đến. Việc tuy nhỏ, chẳng làm chẳng nên”. Đó là một thông điệp, một lời nhắn nhủ từ Tuân Tử – một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc của Trung Hoa. Câu danh ngôn đã cho tôi một bài học quý giá – chiếc chìa khoá giúp tôi tiến tới thành công trong đường đời.
Giống như khi ta tập nói, lúc đầu ta mới chỉ bập bẹ được vài tiếng “ma ma, ba ba”, những tiếng nói vô cùng đơn giản. Nhưng mỗi ngày sau đó, ta sẽ dần nói được một câu, rồi một đoạn, sau đó là nói năng thật rõ ràng, lưu loát, và ta còn có thể phát biểu một bài thật dài khi đứng trước mọi người. Khả năng diễn thuyết, tưởng như thật bình thường, chẳng đáng quan tâm nhưng đó lại là thành quả của bao lần ta luyện tập để không nói vấp, không phát âm sai, không nói ngọng,… Hay khi ta giải toán, đầu tiên ta tập giải những bài toán cơ bản rồi mới từ từ nâng cao lên và giải được những bài toán khó khăn, hóc búa. Một điều dễ thấy nhất là khi ta đi học, ta phải bắt đầu học từ lớp 1, lớp 2, dần đến lớp mười hai rồi mới bước vào cánh cửa cao đẳng, hay giảng đường đại học. Những năm học lớp một, lớp hai tuy rất dễ dàng nhưng đó lại là những nền tảng cơ bản giúp ta có thể học tiếp được những kiến thức khó hơn, cao hơn. Nói tóm lại, những điều cơ bản, nhỏ bé chính là những bệ phóng để chúng ta có thể bay cao hơn, vươn xa hơn và chạm tay đến những ước mơ, những chân trời mới.
Trong thực tế, có rất nhiều tấm gương đã kiên trì, nhẫn nại, để từ những người bình thường trở thành những người nổi tiếng, được cả thế giới tôn vinh. Như nhà bác học Ê-đi-xơn, ông đã thử nghiệm rất nhiều các thí nghiệm nhỏ, gặp phải hàng trăm lần thất bại mới cống hiến được cho nhân loại những thành quả vô cùng vĩ đại như phát minh ra bóng đèn điện, xe lửa, máy thu âm,… Hay nữ doanh nhân Phạm Thị Huân, được đông đảo mọi người biết đến với cái tên “bà Ba Huân”, từ nhỏ đã phải nghỉ học, đi theo mẹ bán trứng gà dạo. Bắt đầu từ việc buôn thúng, bán bưng tại làng, bà đã đem được trứng lên tận Sài Gòn bán. Là một người nhạy bén trong kinh doanh, biết tích góp, bà đã phát triển từ một cơ sở nhỏ lẻ thành một doanh nghiệp tư nhân mang thương hiệu Ba Huân của riêng mình. Gần đây, bà Ba Huân vừa được bình chọn trong danh sách “100 phụ nữ nổi bật năm 2012” do tổ chức The International Alliance for Women vinh danh. Giải thưởng đó được trao cho bà không chỉ vì bà là một người phụ nữ đã hoạt động xuất sắc trong ngành công nghiệp sản xuất trứng gà sạch, mà còn vì bà đã không ngừng cố gắng, tích góp từ những điều nhỏ nhoi, trở thành một tấm gương của sự kiên trì để mọi người học tập, noi theo. Một tấm gương khác là nhà Toán học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu. Ông đã từng là một cậu học trò bình thường, ham mê toán học. Ông không bỏ sót một bài toán nào, dù là bài dễ. Nhờ luôn nắm vững những kiến thức căn bản, ông đã đậu vào lớp chuyên Toán – khối THPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, được chọn đi thi Olympic Toán Quốc tế và giành về huy chương vàng cho đội tuyển Việt Nam. Không ngủ quên trên chiến thắng, sau đó, Ngô Bảo Châu vẫn không ngừng say mê nghiên cứu, và cuối cùng, ông đã chứng minh được thành công Bổ đề Langlands – một bổ đề toán học đã khiến cho không ít nhà toán học nổi tiếng thế giới phải lắc đầu bỏ cuộc. Vì thành quả nghiên cứu xuất sắc này, Ngô Bảo Châu đã vinh dự nhận được huy chương Fields – giải thưởng toán học danh giá nhất thế giới, đem vinh quang về cho quê hương, đất nước.
“Có công mài sắt có ngày nên kim”. Chẳng có một con người nào thành công mà không trải qua những điều nhỏ nhặt, không gặp phải những khó khăn, thất bại. Cuộc sống chỉ toàn là thành công mà không có thất bại thì không phải là một cuộc đời hoàn hảo. Có ai không trải qua thời gian thực tập mà có thể vào làm việc một cách hiệu quả được? Có ai không luyện tập mà có thể thực hiện công việc thành thạo? Có ngôi nhà nào mà có thể đứng vững được nếu không có một nền móng vững chắc? Không có việc gì không trải qua thất bại, thử thách hay những điều nhỏ nhặt mà có thể đạt đến thành công. Vì vậy, chúng ta hãy luôn kiên trì, nhẫn nại, “tích tiểu thành đại” để có thể vươn cao, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Câu nói của Tuân Tử thật chính xác: “Đường tuy gần, chẳng đi chẳng đến. Việc tuy nhỏ, chẳng làm chẳng nên”. Bài học về sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại từ câu nói trên luôn là chiếc chìa khoá vàng giúp ta mở ra cánh cửa thành công. Là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần phải nhận thức được tầm quan trọng của tính kiên trì, bền bỉ, để gặt hái được nhiều thành công, trở thành người có ích cho xã hội.