52 lượt xem

Phân tích bài thơ Đồng dao mùa xuân của Nguyễn Khoa Điềm

Đồng dao mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm kể lại câu chuyên về một người lính đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại dưới những tán rừng đại ngàn trên dãy Trường Son hùng vĩ, sau một trận chiến ác liệt.

Câu chuyện làm rung động sâu xa tâm hồn người đọc, được kể dưới hình thức đồng dao bốn chữ nên dễ thuộc, dễ nhớ. Qua lời kể ngắn gọn, những chi tiết miêu tả chọn lọc, đầy ấn tương, hình ảnh người lính hiện lên mộc mạc, gần gũi mà cao đẹp. Anh còn rất trẻ, “còn mê thả diều” như bao thiếu niên ở mọi làng quê. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường chiến đấu và anh dũng hi sinh trên chiến trường ác liệt. Sự hi sinh của anh được nhà thơ miêu tả rất xúc động với tất cả niềm thương yêu, xót xa, thành kính. Trong tâm tưởng của đồng đội, của nhân dân, người lính còn sống mãi. Anh vĩnh viễn ở lại nơi núi rừng Trường Sơn với hình ảnh thật bình dị:

Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành

và cũng thật khiêm nhường:

Anh ngồi lặng lẽ
Dưới cội mai vàng

Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non…

Biên pháp tu từ so sánh “mắt như suối biếc” và ẩn dụ “vai đầy núi non” thể hiện mềm tin của nhà thơ rằng hình ảnh người lính đã vĩnh viễn hoà vào núi non, sông suối thiêng liêng. Anh ra đi để hoa nở rực rỡ giữa đại ngàn, làm nên mùa xuân cho đất nước. Những dòng thơ bốn chữ ngắn gọn với các chi tiết giàu tính tạo hình đã chạm khắc sắc nét hình tượng người lính trong kí ức của “nhân gian”.

Bài thơ về người lính được tác giả thể hiện như một “khúc đồng dao” thấm đượm cảm xúc tự hào, ngợi ca, chứa chan lòng biết ơn thế hệ cha anh đã dâng hiến tuổi xanh, kết thành “mùa xuân” cho đất nước.