• Trang chủ
  • Văn Mẫu
  • Phân tích bi kịch người trí thức nghèo trong XH cũ qua nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời Thừa” của Nam Cao.
550 lượt xem

Phân tích bi kịch người trí thức nghèo trong XH cũ qua nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời Thừa” của Nam Cao.

Đời thừa không có cốt truyện đầy kịch tính và những chi tiết éo le, li kì, không có những nhân vật mà diện mạo, ngôn ngữ, hành vi độc đáo, ưng đọc một lần nhớ mãi. Có thể nói, hơn bất cứ ở đâu, truyện ngắn “Đời thừa” cho ta thấy những quan điểm nghệ thuật, tấm lòng nhân đạo mo cả của cả một tài năng văn xuôi “chín muồi’.

Thông qua nhân vật Hộ, tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ – xã hội trước cách mạng – hiện lên rõ nét: đời bị thừa. Bởi lẽ, bi kịch của nhân vật Hộ nó có tính chất cá nhân cụ thể song lại có khả năng khái quát, tiêu biểu cho bi kịch của cả một tầng lớp trí thức nghèo trước 1945.

Hộ là một nhà văn. Anh là người “mê văn”. Có lần, anh bảo với vợ ràng: “Tôi mê văn quá nên mới khổ… Tôi cho rằng những khi được đọc một đoạn văn như đoạn văn này mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dầu một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng: Sướng lắm!”. Như vậy, ở Hộ văn chương là một niềm vui, một lạc thú mà không sự đam mê vật chất nào sánh được. Anh đâu chỉ mê say thưởng thức không thôi mà anh còn muốn thực hiện “cái” hoài bão lớn của mình về nghề văn nữa. Văn chương không chỉ là sở thích, là niềm đam mê mà còn là sự nghiệp, là lí tưởng sống của Hộ: “Đầu hắn mang một nỗi hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tún mún về vật chất… Đối với hắn, nghệ thuật la tất cả, ngoài nghệ thuật ra chẳng còn gì đáng quan tâm cả”. Hộ luôn khao khát vinh quang, anh luôn luôn nghĩ đến một tác phẩm “nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời”. Và sau này, trong phút cao hứng, anh còn tuyên bô cùng các bạn văn: “Rồi các anh xem… Tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nôbel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu!”. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy rõ đó không phải là “sự thèm khát hư danh của một kẻ phàm tục mà là niềm khao khát sự khẳng định trước cuộc đời của cá nhân có ý thức về mình… không muốn sống mờ nhạt, vô nghĩa lí…” (Nguyễn Hoành Khung). Hộ đeo đuổi một sự nghiệp nghệ thuật chân chính, có ích cho đời. Vì nội dung thì “nó phải chứa đựng cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phải khơi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho người gần người hơn…”, còn hình thức của tác phẩm thì anh luôn mong mỏi nó “làm mờ hết tất cả các tác phẩm khác…” và “văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có…”. Đó là sự nghiệp văn chương hoàn toàn chân chính, một hoài bão lớn lao, cao đẹp.

Nhưng bi kịch của Hộ là ở đó, bi kịch của Hộ trước hết là bi kịch của người trí thức có lí tưởng nghệ thuật cao đẹp, có khát vọng “nâng cao giá trị đời sống” của mình bằng một sự nghiệp nghệ thuật chân chính nhưng chỉ “lo cơm áo không đủ mệt”, bị gánh nặng cơm áo hằng ngày “ghì sát đất”. “Hoài bão lớn” mà Hộ từng ôm ấp, nuôi dưỡng, cái lí tưởng đẹp đẽ mà Hộ đeo đuổi lại mâu thuẫn với thực tế hằng ngày, Hộ phải lo lắng triền miên về vật chất, về những điều mà anh đã cho là “tẹp nhẹp, vộ nghĩa lí” của đời sống cơm áo hằng ngày mà anh phải gánh vác. Hộ không thể “khinh những lo lắng tủn mún về vật chất” như trước kia, mà trái lại kể từ khi anh có gia đình – từ khi ghép cuộc đời Từ vào đời hắn, hắn có một gia đình phải lo – anh bị “ngốn phần lớn thời gian” và phải ra sức kiếm tiền.

Nhưng Hộ là một nhà văn, cách duy nhất giúp anh có tiền xoay sở là viết văn. Anh càng viết nhanh thì số lượng bài càng nhiều, mà anh càng viết nhiều thì càng phải viết cẩu thả, “quấy loãng”. Hộ phải viết thật nhanh, “phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng” vì sự thúc bách của đời sống cơm áo hằng ngày. Anh phải viết và viết để có thật nhiều tiền lo cho cái gia đình mà anh đã cất công vun vén. Nhưng “văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi,… chưa có”, thì làm sao có thể chấp nhận những cuốn sách viết vội vàng hay những bài báo để người đọc, đọc rồi quên ngay sau lúc đọc.

Hộ sẽ chẳng có bi kịch nếu như anh ta không ý thức về nó. Anh xỉ vả mình như một kẻ “đê tiện” sau khi bình luận đọc lại các tác phẩm của mình: “Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ và rất nông trong một thứ văn chương rất băng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến cho văn chương”. Với Hộ, một nhà văn có lí tưởng cao đẹp, khát vọng chân chính lại rất hiểu rõ “vằn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi…” thế còn gì cay đắng hơn khi anh nhận ra rằng mình “chẳng đem… chương”. Từ đó, Hộ buồn vô hạn, chán chường vì nghĩ mình “là một người thừa”, và mình đã “hỏng đứt rồi”, không còn gì cứu vãn nổi. Xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần đau đớn này, Nam Cao đã lên án sâu sắc các hiện thực tàn nhẫn đã vùi dập hoài bão, ước mơ cao đẹp của con người và làm cho con người tuyệt vọng, đau đớn khôn nguôi.

Một biểu hiện nữa của tấn bi kịch tinh thần của Hộ là bi kịch của con người coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất, đạo lí làm người cao nhất mà lại sống tàn nhẫn, thô bạo, gây khổ sở cho những người mình thương yêu, vi phạm cái nguyên tắc đại lí làm người sống của chính mình Như gia đình Hộ được hình thành bằng nghĩa cử của tình thương cao quý. Hộ cúi xuống nỗi đau của Từ. Hộ đã cúi xuống và đưa một bàn tay cầm lấy cái bàn tay mềm yếu của Từ giữa lúc Từ đau đớn “vô bờ bến”. Từ bị tình nhân bỏ rơi với một đứa con vừa mới sinh. Và thế là, Hộ đã nhận làm bố cho đứa con thơ, chính thức nhận Từ làm vợ và đứng ra làm ma cho mẹ Từ. Nghĩa cử cao đẹp ấy chỉ có thể bắt gặp được ở nghệ sĩ và hiệp sĩ mà thôi!

Gia đình Hộ đã hình thành từ đó. Và những mâu thuẫn cũng từ đầu mà nảy sinh. Đồng thời, chính cái gia đình ấy là “Gánh nặng” đã cản trừ Hộ thực hiện “hoài bão lớn” của mình. Vì vậy, giải pháp để đưa Hộ ra khỏi tình trạng “tự đầu độc mình” chỉ có một cách, đó là: thoát li vợ con “để rảnh nợ”. Hộ phải đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn, phức tạp. Không như Điền trong “Trăng sáng” (Điền chỉ lựa chọn giữa con đường nghệ thuật: lãng mạn thoát li và hiện thực nhân đạo). Hộ phải lựa chọn tình thương, trách nhiệm thay cho nghệ thuật, nhưng sao sự lựa chọn ấy anh sẽ không yên tâm, thanh thản mà đau khổ cứ âm ỉ, lúc ngấm ngầm, lúc nhói lên dữ dội.
Hộ đã đấu tranh. Hắn tuyên bố bỏ mặc gia đình, theo một nhà triết gia, phương Tây: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng anh lại lựa chọn tình thương – nguyên tắc và đạo lí làm người cao nhất, vì Hộ “vứt bỏ” vợ con vì bất cứ lí do gì thì cũng cứ là “tàn nhẫn”. Hơn nữa, Hộ có quan niệm riêng cao đẹp: “kẻ mạnh… mình”. Hộ là một người chồng rất thương vợ, con và rất biết lo cho gia đình: “Hắn hôn hết chúng vồ vập lắm…” và “cả tháng chúng nó đói khát, khổ sở, hôm nay… hồn”.

Nhưng thực tế cuộc sống đã không cho Hộ yêu thương. Mặc dù, Hộ đã chọn tình thương, song cái bi kịch “đời thừa” ấy lại cứ âm ỉ cháy trong lòng anh. Anh đã cố hi vọng rằng sau vài năm bỏ phí để kiếm tiền thì anh có được số vốn con cho vợ có anh làm ăn, anh lại có thể trở về với con đường nghệ thuật của mình một cách đường hoàng hơn.

Nhưng sự đời đâu như anh nghĩ, từ khi “đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã ra đời. Đứa nào cũng nhiều đẹn, sài… uống thuốc quanh năm” thì Hộ điên lên vì kiếm tiền. Hộ trở nên gắt gỏng với vợ, với con, với bất kì ai và ngay cả chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, Hộ bỏ ra ngoài. Đi ra phố đi khỏi nghe con khóc, hay tìm bạn vàn nói chuyện văn chương cho vơi nỗi lòng. Nhưng lòng anh vẫn buồn và luôn mặc cảm với các bạn văn. Anh đã tìm đến với rượu nhằm giải sầu. Song cả rượu cũng chẳng làm vơi đi mà càng làm anh thấm thía hơn cái nỗi cay đắng ấy. Đêm nào Hộ cũng say mèm và về nhà lại trút nỗi ấy vào vợ con mình: “Ngày mai, mình biết không, chỉ ngày mai thôi là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi nhà này…”. Cái con người giàu tình thương đó – Hộ – đã hơn một lần đối xử phũ phàng với vợ con mình, như một tên vô lại. Anh đã vi phạm các nguyên tắc, đạo lí làm người cao nhất của chính mình:

Cái bi kịch thứ nhất – không thực hiện được “hoài bão lớn” – tuy rất đau đớn nhưng còn lí do để an ủi: hi sinh sự nghiệp vì tình thương, còn bi kịch thứ hai này – lẽ sống tình thương bị vi phạm – thì không có gì biện hộ được. Vì thế mà, nó chua xót vô cùng – không có gì biện minh cho sự ác độc và tàn nhẫn của Hộ cả. Anh đã hoàn toàn thức tỉnh như người say triền miên năm tháng và nhìn hẳn vào nhân cách của mình để xưng tội với vợ con: “Hộ nghẹn ngào nói với Từ, giọng nói đẫm nước mắt: “Anh… anh…chỉ là… một thằng… khốn nạn!”. Chắc chắn một điều rằng: Hộ đã hối hận, những giọt nước mắt của người hối hận, ăn năn đã chảy ra từ nơi anh. Vậy là, cuối cùng thì tình người, tình thương vẫn chiến thắng. Tác giả dù trong hoàn cảnh nào vẫn bảo vệ tình thương, ông không muốn đồng tình hay biện hộ cho những nhân vật vứt bỏ lương tâm tự cho mình làm điều ác để chống đối xã hội tàn bạo. Đó là tư tưởng nhân đạo của tác phẩm này và là điểm sáng thu hút người đọc nhiều nhất xây dựng nhân vật Hộ. Nếu không quan tâm đến việc miêu tả ngoại hình của nhân vật mà ông xoáy sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để làm bật lên bi kịch tinh thần đau đớn của người trí thức nghèo đó. Qua đó, ta thấy rõ được tài năng miêu tả, tích tâm lí con người bậc thầy của nhà văn. Có thể nói sức hấp dẫn của “Đời thừa” một phần quan trọng cũng là ở đó.