Đang ngủ say, tôi giật mình khi nghe tiếng gọi. Mở mắt ra thì thấy chị Gió – người bạn thân thiết của mọi người. Chị cất tiếng: “Chào Lúa, lẽ ra chị không định đánh thức em đâu nhưng vì có việc gấp phải nhờ đến em”.
– Ô, em cũng đang định dậy, trời đã sáng rồi… Mà có việc gì thế chị?
– Chẳng là thế này, Toà soạn báo Ban Mai Xanh giao nhiệm vụ cho chị phải đi phỏng vấn viết bài về những vấn đề có liên quan đến họ hàng nhà Lúa các em đấy. Lúa giúp chị nhé.
– Được ạ! Em sẵn sàng! Thế chị muốn biết gì nào?
– Chúng ta bắt đầu nhé! Em hãy cho chị biết về nguồn gốc, quê quán của họ nhà Lúa các em?
– Chị ạ, đã từ lâu, từ rất lâu rồi. từ khi có con người, có sự sống trên trái đất thì đã có mặt chúng em. Còn quê quán, chúng em không định cư ở một nơi mà khắp mọi nơi trên đất nước ta từ đồng bằng đến miền núi; từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng có họ hàng, anh em Lúa chúng em sinh sống.
– Nhà Lúa các em đông vui thật, như thế chắc họ hàng cũng đa dạng lắm nhỉ?
– Đúng vậy chị ạ. Họ nhà Lúa chúng em rất phong phú. Ở miền Bắc nơi em đang sống cũng là quê nội thì có Khang Dân, Ải Quế, Nếp…
Lúa Nép là vật phẩm không thể thiếu được trong các gia đình vào ngày lễ tết, giỗ chạp… Còn Tám Xoan cấy ở vùng Hải Hậu, Nam Định là một đặc sản nổi tiếng đấy. Chị biết không, com Tám Xoan mà ăn với giò chả thì thật tuyệt vời! Còn miền Nam quê ngoại em có Di Hương, Móng Chim…
– Phong phú thật, thế đặc điểm cơ thể và quá trình sinh trưởng của các em ra sao?
– Chúng em thuộc loài thân cỏ, rễ chùm, quá trình gieo trồng chúng em cũng khác: miền Bắc thì cấy, còn miền Nam thì gieo sạ. Khi gieo cấy từ mười đến mười lăm ngày thì chúng em bắt đầu phát triển. Bà con nông dân sẽ bón phân, làm cỏ chăm sóc cho chúng em lớn nhanh, khoẻ đẹp. Thời kì này chúng em vẫn được mọi người gọi là “Lúa đang thì con gái”. Để được cánh đồng lúa xanh tốt thế này bà con nông dân phải vất vả lắm chị ạ! Một hạt thóc làm ra là cả bao công lao vất vả, em nhớ từng được nghe một bà cụ hát ru cháu rằng:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Chính vì khó nhọc vất vả thế nên người dân gọi hạt gạo, hạt lúa là “ngọc thực” và họ rất trân trọng, nâng niu chúng em!
– Trong sự phát triển chung của đất nước và trong cuộc sống thường ngày các em đã có những đóng góp gì?
– Trong sự phát triển của đất nước, chúng em có vai trò rất quan trọng bởi Việt Nam có tới 80% dân số sống bằng nghề nông. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới đấy chị ạ! Chúng em đã mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Còn trong cuộc sống thường ngày thì cả cơ thể chúng em đều có tác dụng, gạo để ăn, trấu để đun, bón phân, cám nuôi lợn, thân rạ rơm để đun bếp, làm nấm… Chị biết không sau mỗi mùa gặt bội thu người dân ai cũng hớn hở tràn đầy niềm vui. Hương cốm mới hay đĩa xôi gấc ăn trong tiết trời thu se lạnh là đặc sản dân tộc mà mỗi khi xa quê khó ai có thể quên được…
– Thật tuyệt vời, bây giờ chị muốn được biết em đang có những ước mơ gì?
– Giờ đây làng quê đã có nhiều đổi mới, em chỉ mong con người ngày càng cải tiến kĩ thuật, sản xuất được nhiều giống lúa không chỉ ngon mà còn cho năng suất cao. Mong cho người nông dân có cách gieo trồng đỡ vất vả hơn và hạt gạo của Việt Nam sẽ ngày càng được đánh giá cao trên khắp thế giới.
– Cuộc trao đổi hôm nay thật là có ý nghĩa. Qua đây chị đã hiểu được nhiều điều về họ hàng nhà Lúa. Ôi, trời nắng rồi, bác Mặt trời đang cười rất tươi kìa. Thôi, chị phải về viết lại bài để đánh máy kẻo muộn mất, cảm ơn Lúa đã giúp chị. Chị chào Lúa nhé!
– Chào chị Gió. Chúc chị thượng lộ bình an!