Tôi đang học ôn về văn thuyết minh có sử dụng các yếu tố nghệ thuật. Quả là không dễ chút nào, vì Ngữ văn vốn là môn học khó đối với tôi. Đánh vật với bài tập làm văn cô cho về nhà đến tận 12 giờ đêm, tay tôi nhão ra, thần kinh căng như chão. Mắt hoa lên tôi gục xuống bàn lúc nào không biết… Bỗng nhiên một giọng nói trầm ấm vang lên:
– Dương Thị Thu Hằng, có phải cháu là học sinh giỏi của năm học 2008 – 2009 đó không?
Chưa biết là ai hỏi, tôi trả lời theo quán tính:
– Vâng ạ!
Trước mắt tôi, một đám mây ngũ sắc sà xuống, giọng nói lại cất lên:
– Ngọc Hoàng cho triệu những cháu học sinh giỏi đến để nhận phần thưởng khuyến học. Cháu hãy đứng lên đám mây ngũ sắc này đi cho kịp giờ chầu Ngọc Hoàng.
Đi nhận phần thưởng à, đó vốn là niềm yêu thích của tôi từ trước đến giờ. Quái lạ, người tôi to béo thế này mà đứng lên được đám mây mỏng tanh. Tôi như thấy mình không trọng lượng. Đám mây bay vút lên trời cao. Kia rồi, cầu vồng bảy sắc đã hiện ra, tôi bước chân lên cầu vồng, đi vào đại điện (vì trước cổng trời có bảng hướng dẫn đường đi mà lị!). Trước mặt Ngọc Hoàng, các học sinh giỏi đều trình bày thành tích của mình trong năm học vừa qua. Đến lượt tôi, Ngọc Hoàng nói:
– Theo như danh sách thì cháu học trường THCS Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương phải không? Ta chưa nghe thấy trường này bao giờ, chắc cũng không có gì là nổi bật.
Tôi vội vàng tâu lên với Ngọc Hoàng:
– Muôn tâu Ngọc Hoàng, nếu như Ngọc Hoàng chưa được nghe đến tiếng tăm trường con thì chẳng qua là vì vị trí địa lí thôi đấy ạ. Trường chúng con vốn nằm ở vùng sâu vùng xa, tận cuối huyện, là ngã ba giáp với huyện Thanh Miện và huyện Gia Lộc. Trường chúng con tuy là vùng sâu vùng xa nhưng vẫn được các bác lãnh đạo cho xây dựng bên cạnh con đường tỉnh lộ số 20, nằm ở khu vực trung tâm xã, tên trường cũng chính là tên xã đấy ạ. Ngôi trường này có từ năm 1967, khi chiến tranh còn đang diễn ra rất ác liệt. Khi mới thành lập, trường chỉ có ba lóp 5, 6, 7 với ít ỏi các thầy cô. Người hiệu trưởng đầu tiên về xây dựng ngôi trường là thầy Nguyễn Văn Mạc. Trường lúc mới mở ra chỉ toàn là nhà tranh vách đất nằm ở đầu thôn Tế Cầu, mỗi lớp học đều có hầm kèo chữ A để tránh bom đạn mỗi khi có báo động. Học sinh đến lớp học thường mang mũ rơm và lá ngụy trang. Sau khi hoà bình, thống nhất đất nước, năm 1975, địa phương Hồng Đức đã đầu tư xây mới ngôi trường, quy hoạch chuyển về nền đất mới bây giờ để gần trạm y tế và uỷ ban nhân dân xã ạ!
Ngọc Hoàng nói:
– Là một học sinh giỏi của trường, con có biết từ khi thành lập đến nay, trường con đã có bao nhiêu thầy cô làm hiệu trưởng và những thành tích đã đạt được của trường con là gì?
– Dạ bẩm Ngọc Hoàng, thông qua những tiết học hoạt động ngoài giờ, con biết rõ lắm ạ. Đến nay trường con đã có mười một đời hiệu trưởng. Từ khi thành lập đến nay, trường con đã đào tạo bao thế hệ con em Hồng Đức trưởng thành. Ví dụ như bác Trần Văn Chấn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về sinh học và hiện nay đang làm Viện phó Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản tại đảo Cát Bà – Hải Phòng, ông Dương Văn Hoả làm Cục trưởng Cục An ninh, ông Nguyễn Viết Huệ làm Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng và còn rất nhiều, rất nhiều những học sinh của trường hiện nay đang giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và nhà nước ở các cấp chính quyền từ huyện đến trung ương…
Ngọc Hoàng xua tay:
– À thôi, thôi, thế là ta đã hiểu một phần về bề dày lịch sử của trường Hồng Đức rồi. Vậy hiện nay, trường con có còn phát huy được những truyền thống ấy hay không?
– Muôn tâu Ngọc Hoàng, càng ngày xã hội càng phát triển, Đảng ta chú trọng đầu tư đến sự nghiệp giáo dục, được địa phương quan tâm hơn, phụ huynh chú trọng hơn nên nhà trường ngày càng có thêm nhiều thành tích đấy ạ!
– Thế cụ thể là những thành tích gì mới nhất, con hãy kể cho ta nghe.
– Dạ bẩm, trường con đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Trường Tiên tiến, luôn có số học sinh đỗ tót nghiệp đạt 100%, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đỗ vào trung học phổ thông ngày một tăng. Tiêu biểu là trong năm học 2008 – 2009, tỉ lệ học sinh giỏi toàn trường là 9.2 %.
– Vậy con có biết vì sao thành tích của nhà trường lại ngày càng nâng lên như thế không?
– Bẩm Ngọc Hoàng, theo như suy nghĩ còn non nớt của con thì con thấy yếu tố vô cùng quan trọng là đội ngũ các thầy cô luôn tận tâm, nhiệt tình và miệt mài với nghề nghiệp. Hiện nay trường do cô Nguyễn Thị Thắm làm hiệu trưởng. Toàn trường có 28 cán bộ giáo viên, đội ngũ thầy cô có kinh nghiệm, đạt trình độ đại học ngày càng tăng. Năm nào cũng có thầy cô tham gia học nâng chuẩn. Nhưng một phần nữa là vì các bạn học sinh luôn có phong trào học tập hăng hái, sôi nổi.
– À này con, ta nghe nói dưới hạ giới năm nay vẫn tiếp tục phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và năm nay là năm học đưa giáo dục môi trường vào các bộ môn có phải không? Vậy trường con quang cảnh ra sao, môi trường thế nào, mau tâu nhanh cho ta rõ.
– Dạ, Ngọc Hoàng không biết ấy chứ, nếu Ngọc Hoàng mà đi vi hành xuống trường con mang theo cả Nam Tào, Bắc Đẩu thì phải cả Nam Tào và hai Bắc Đẩu mới ôm hết một cây xà cừ đấy ạ. Bởi vì những cây xà cừ này đã lớn dần lên theo tuổi của ngôi trường, ngày càng xanh um, mát rượi, che kín cả một khoảng sân rộng đổ bê tông sạch sẽ, thoáng mát. Khu nhà tầng tuy đã được xây dựng hơn mười năm rồi nhưng vẫn khang trang sạch đẹp vì thường xuyên được vệ sinh, tu sửa lại và sơn mới khi bước vào năm học. Toàn trường có 13 phòng gồm: một phòng đồ dùng, một phòng thư viện, hai phòng bộ môn (phòng Lí – Công nghệ và phòng Sinh – Hoá), một phòng học tin, năm phòng học của các lóp, một văn phòng và một phòng hiệu phó, một phòng hiệu trưởng. Mỗi phòng học đều có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ ánh sáng, quạt mát, ảnh Bác, Năm điều Bác Hồ dạy, bảng nội quy, bản đồ Việt Nam và có lóp còn có tranh ảnh do học sinh tự vẽ đấy ạ.
Nghe tôi kể đến đây, Ngọc Hoàng cười to và vuốt râu bảo:
– Không ngờ qua một thời gian ta chưa kịp vi hành xuống hạ giới mà một trường ở vùng sâu vùng xa như trường Hồng Đức đã có những tiến bộ nổi trội đến như thế. Thảo nào hôm nay trường lại có cả học sinh được lên thiên đình nhận phần thưởng khuyến học.
Ngọc Hoàng cười rồi sai vị quan Văn của thiên đình đi phát phần thưởng cho chúng tôi. Riêng tôi được nhận một chiếc hộp lớn, trong đó đựng toàn những quyển sách quý của thiên đình. Tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Bỗng “đùng đoàng”, tôi giật mình thức giấc, thì ra trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, trong tay tôi vẫn còn ôm chặt quyển sách Ngữ văn đang học dở.
Trở về với thực tế, tôi càng thấy yêu quý ngôi trường của mình hơn. Vì ngôi trường ấy luôn trong tâm khảm tôi, giúp tôi có một cuộc gặp gỡ vô cùng thú vị với Ngọc Hoàng thượng đế. Tôi thầm hứa sẽ học tập tốt, để góp thêm thành tích xây dựng ngôi trường. Biết đâu sang năm, khi đỗ vào trung học phổ thông, tôi lại được Ngọc Hoàng triệu kiến một lần nữa. Lúc bấy giờ, tôi sẽ có thêm nhiều chuyện để tâu với Ngọc Hoàng về ngôi trường của tôi.