Khi đọc truyện Bầy chim chìa vôi của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong tập Mùa hoa cải bên sông đã để lại cho em nhiều suy nghĩ. Hình ảnh Mon và Mên thao thức, lo lắng cho bầy chìa vôi con trước cơn mưa lớn làm cho em rất xúc động, nó gợi ra cho em những vấn đề về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn động vật hoang dã.
Mưa tầm tã suốt đêm, nước sông dâng lên sẽ nhấn chìm bãi cát ở giữa sông, Mon và Mên sợ những con chim chìa vôi non sẽ chết đuối. Hai anh em vội vã bơi đò ra bãi cát để cứu. Khi ánh bình minh vừa ló dạng cũng là lúc nước sông nuốt chửng phần còn lại của dãi cát. Và chính lúc đó bầy chim chìa vôi non đập cánh bay lên thoát khỏi dòng nước hung dữ. Trên gương mặt tái nhợt vì nước mưa của hai anh em bỗng nhận ra mình đã khóc từ lúc nào không biết. Có lẽ hai anh em khóc vì nhận ra bầy chim non đã tự mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần, bao lo lắng, bồn chồn suốt đêm được giải toả, trong thâm tâm hai đứa trẻ giờ trở nên nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Hành động nhỏ của hai anh em đã cho chúng ta thấy được sự cấp thiết cần phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.
Ngày nay, dân số tăng nhanh, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác tài nguyên quá mức đã làm cho đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng. Việc phá rừng, lấy đất rừng làm đất ở, lấy đất khu bảo tồn thiên nhiên làm khu kinh tế,… đã làm cho các loài động thực vật đi đến bờ tuyệt chủng, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên.
Việc săn bắt chim, thú rừng tuỳ tiện cùng với nạn đốt phá rừng đã phá hoại nghiêm trọng môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, làm cho một số loài trở nên hung dữ, gây ra những thảm hoạ đối với con người như: nạn voi dữ, lợn rừng phá hoại sản xuất; nạn chuột, châu chấu phá hoại mùa màng ở nhiều nơi.
Sự suy giảm nghiêm trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã ngoài tự nhiên là do việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ không bền vững các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm như: Sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, cao hổ, mật gấu, đặc biệt là các loài chim di cư. Điều đáng nói là, tình trạng săn bắt, giết hại, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, phá hủy các hệ sinh thái mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người.
Trước tình hình nghiêm trọng nói trên, đòi hỏi chúng ta phải có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Để bảo vệ động vật hoang dã chúng ta cần tuyên truyền ý thức cho mọi người với khẩu hiệu: Bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ cuộc sống của bạn. Nâng cao nhận thức và hiểu biết của mọi người về môi trường tự nhiên, không sử dụng động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, dược phẩm, trang sức. Hoàn thiện các thể chế luật pháp về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Các khóa học đạo đức cho học sinh, các tác phẩm văn học viết về đề tài thiên nhiên, động vật, chương trình đào tạo về sinh thái học và quản lý đa dạng sinh học sẽ khiến xã hội nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật.
Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 3/3 hằng năm làm Ngày động thực vật hoang dã thế giới điều này có ý nghĩa đặc biệt, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng về vấn đề bảo tồn, từ đó cùng nhau bảo vệ thế giới động vật, thực vật hoang dã – nền tảng quan trọng của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và sức khỏe.
Tác phẩm “Bầy chim chìa vôi” đã cho em mở rộng tầm mắt về thế giới động vật hoang dã, về việc con người phải sống hoà đồng với thiên nhiên. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ động thực vật hoang dã và truyền tải thông điệp này đến mọi người để chúng ta có một hành tinh xanh đúng nghĩa.