Những tia nắng mùa thu nhẹ nhàng chiếu xuống một bãi đất hoang vắng. Vài cơn gió vi vu, lay động phả nỗi hiu hắt vào từng tán cây, ngọn cỏ. Không gian im ắng, tĩnh lặng ấy càng âm u hon bởi những ụ đất gồ ghề nhấp nhô. Có gò đất được dọn dẹp sạch sẽ, có gò đất lại um tùm cỏ dại. Một gò đất phía trái, nằm trơ trọi, lạnh lẽo, cắm lên tấm gỗ mỏng, xộc xệch. Trên tấm gỗ gần như mục nát ấy, lờ mờ dòng chữ: “Nơi yên nghỉ của cụ Hạc”. Phải, đó chính là nấm mộ của lão Hạc, một con người vừa đáng thương vừa đáng kính.
Trước mộ lão Hạc, một người đàn ông gầy gò, đen đủi, trên mặt, trên lưng đầy những vết sẹo của đòn roi. Người đàn ông có gương mặt khắc khổ ấy đã ngồi hàng giờ trước nấm mộ. Anh ta ngồi như thể một pho tượng vậy. Chính xác hơn, người đó quỳ trước mộ, đôi mắt nhìn như xuyên qua cỏ dại và đất đá. Trước mặt anh ta là hai cây nến màu trắng cháy bập bùng, một chai rượu mở nắp và một chút hoa quả. Người đàn ông cứ bất động, cho đến khi một cây nến vụt tắt, mắt người đó như mở to ra. Vừa bươn người bứt đi từng ngọn cỏ, anh ta vừa thì thào nói – giọng nói xa xăm mà văng vẳng, dấy lên nỗi xót xa, đau đớn tột cùng:
– Cha à! Con trai về thăm cha đây! Con trai bất hiếu, bỏ đi mà không gửi tin về cho cha an lòng, cũng chưa đền đáp được công ơn sinh thành của cha. Mười hai năm nay, con đi đồn điền cao su cho Pháp. Cực khổ, tủi nhục lắm cha à! Bọn Pháp là lũ khốn! Mười hai năm, không một bữa cơm no, không ngày nào là không bị đánh đập. Có những lúc, vừa bưng lưng cơm hẩm lên, bọn chúng vung roi quất vào mặt con. Lỡ tay, bát cơm rơi xuống, con phải nhặt từng hạt cơm lên, máu từ trên má rỏ từng giọt xuống miếng cơm, bọn cầm thú cười man rợ, vẫn cứ phải ăn. Bây giờ, trên người con, không chỗ nào không có dấu vết của đòn roi. Nhưng như vậy có đáng gì chứ! Bấy nhiêu nỗi khổ của con đâu thấm tháp so với những cực nhọc cha phải chịu, phải không cha?
Ngừng một lát, người đàn ông nói tiếp:
– Con về làng, ông giáo hàng xóm trao lại chó con mấy chục đồng bạc và giấy tờ mảnh vườn. Ông giáo già nặng nhọc kể cho con nghe từ chuyện cha bán chó, đến cái chết đau đớn của cha. Lòng con quặn thắt. Con về làng là để thăm tổ tiên, báo hiếu cha. Cha đi rồi, tiền bạc, nhà cửa với con đâu còn ý nghĩa gì nữa. Con ra đây, dâng cha ít hoa quả, tiền bạc, rượu, cả quần áo nữa. Cha cố nhận hết nghe cha! Con sẽ dọn cỏ cho cha, con sẽ thường xuyên đến thăm cha, cha sẽ không cô đơn nữa đâu. Mười mấy năm qua, cha đơn độc lắm phải không? Cả con Vàng của cha nữa, cha đã tìm lại được nó chưa?
Một giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống, thấm ngay vào lòng đất. Anh ta lại nhổ cỏ, nhổ như một gã điên, cỏ bay tung toé, góc rễ văng tứ tung. Đến khi đã thật sự bình tĩnh trở lại, người đàn ông khóc tu tu như một đứa trẻ, vừa nấc vừa nói, nghe không rõ tiếng:
– Ở nhà, cha mắng con dại, cha còn dại hơn con! Tại sao cha không lấy số tiền ấy làm vốn sống? Có thể cha sẽ sống khoẻ, sống tốt hơn cơ mà! Con đâu cần tiền, cần vườn, con chỉ cần có cha, cha hiểu không? Tại sao cha lại chọn cái chết chứ? Cha có biết chính cái chết của cha mới là bất hạnh lớn nhất của con không? Cha ơi! Cha! về với con đi cha…
Vừa gục đầu vào tấm bia gỗ, người đàn ông vừa đấm tay liên tục và khóc nức nở. Khóc mãi, người đàn ông đó tựa nguyên đầu vào tấm bia, bất động một lần nữa. Lâu thật lâu, mãi đến khi mặt trời dần xuống núi, bầu trời ửng đỏ, một chiếc lá nhẹ nhàng lìa khỏi cành, lao chao rồi chạm vào mặt đất. Mùa thu buồn, chiều mùa thu cũng buồn, người đàn ông càng buồn, lại thủ thỉ:
– Con sẽ gắng sống tốt để cha được ngậm cười nơi chín suối. Khi nào nhớ cha, con sẽ thắp cho cha nén hương. Cha nhớ con, cha làm cơn gió về thổi qua tóc con nhé! Con hứa với cha là sẽ gây dựng cơ nghiệp bằng đôi tay chân chính của con, từ số tiền và mảnh vườn cha cho con.
Người đàn ông đứng dậy, ngọn nến kia cũng đã tắt tự bao giờ. Một cơn gió lướt nhẹ qua tóc người đàn ông…