• Trang chủ
  • Ôtô
  • Lốp ô tô, kinh nghiệm mua và bảo dưỡng lốp xe ô tô
1103 lượt xem

Lốp ô tô, kinh nghiệm mua và bảo dưỡng lốp xe ô tô

KHI NÀO THAY LỐP Ô TÔ ?

Thời gian thay lốp ô tô

5 năm từ ngày sản xuất

Đây là thời gian sử dụng lốp an toàn nhất cũng là thời gian lốp ô tô còn trong thời hạn bảo hành. Nhiều chuyên gia khuyên nên thay lốp sau 5 năm từ ngày sản xuất (lưu ý là ngày sản xuất không phải là ngày bắt đầu sử dụng, ngày sản xuất được in trên thành lốp) để đạt được hiệu suất vận hành tối ưu cũng như đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, nếu sau 5 năm, lốp còn ở tình trạng bình thường thì vẫn sử dụng được. Nhưng kể từ mốc 5 năm này, lốp xe ô tô cần được kiểm tra ít nhất mỗi năm một lần.

Tối đa 10 năm

Theo khuyến nghị của hầu hết các hãng sản xuất lốp ô tô lớn trên thế giới, lốp ô tô chỉ nên sử dụng tối đa 10 năm kể từ ngay sản xuất. Đến mốc 10 năm, dù lốp vẫn còn sử dụng được, chưa mòn đến vạch chỉ thị độ mòn lốp… thì cũng nên thay lốp ô tô mới, áp dụng cả với lốp dự phòng ít sử dụng.

Những dấu hiệu cần thay lốp ô tô ngay

Nếu chưa đến thời hạn 5 năm nhưng lốp xe ô tô đã xuất hiện các dấu hiệu sau thì cũng cần thay lốp mới:

Độ sâu rãnh lốp nhỏ hơn 1,6 mm

Theo tiêu chuẩn, độ sâu rãnh lốp phải đạt ít nhất từ 1,6 mm trở lên mới đảm bảo vận hành an toàn. Đối với những xe di chuyển nhiều, thường xuyên phanh gấp… cần kiểm tra độ mòn của lốp để có kế hoạch thay thế phù hợp. Nếu độ sâu của rãnh thấp hơn 1,6 mm có nghĩa là lốp đã mòn và cần thay lốp mới ngay.

Có nhiều cách kiểm tra độ sâu rãnh lốp:

  • Kiểm tra bằng thiết bị đo độ sâu rãnh lốp: Dùng thiết bị này đo ở nhiều vị trí trên lốp.
  • Kiểm tra bằng vạch chỉ thị độ mòn gai lốp: Trên lốp ô tô có vạch chỉ thị độ mòn được đúc ở những rãnh chính (thường nằm ở những rãnh giữa). Nếu các khối hoa lốp mòn có chiều cao bằng vạch chỉ thị này hoặc ngay cả vạch chỉ thị này cũng có dấu hiệu bị mòn thì cần thay lốp mới ngay.

Mặt lốp bị hư hại

Nếu mặt lốp có các dấu hiệu bị hư hại như bong tróc, phồng (hay còn gọi là chửa thành), rạn nứt, đường vằn, cao su/sợi bố bị tách – bị nhăn… thì cũng cần thay lốp ngay. Bởi những hư hại này sẽ dẫn đến rủi ro cao lốp bị nổ giữa đường, rất nguy hiểm.
Bị lỗ thủng có đường kính lớn hơn 6 mm

Khi bị thủng lốp, đa phần sẽ chọn cách vá lỗ thủng để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên nếu lốp ô tô bị thủng với lỗ có đường kính lớn hơn 6 mm, dù có vá được cũng không đảm bảo an toàn khi vận hành. Do đó nên cân nhắc thay lốp mới. Ngoài ra, nếu lốp bị thủng quá nhiều lỗ, lỗ vá cũ bị rò rỉ khí thì cũng nên thay lốp ô tô mới.

Tanh lốp, van lốp bị hư hỏng

Tanh lốp là phần mép lốp tiếp xúc với mâm xe. Nếu tanh lốp bị lòi ra, biến dạng khí sẽ thường bị rò rỉ. Vì vậy cần thay lốp mới ngay. Trong khi đó, van lốp giúp giữ áp suất lốp, ngăn hơi ẩm xâm nhập. Nếu van bị hư hi, khí trong lốp rất dễ rò rỉ do đó cũng cần thay lốp mới.

KINH NGHIỆM MUA LỐP XE Ô TÔ

Chọn lốp xe ô tô theo nhu cầu sử dụng

Khi mua lốp xe ô tô cần nắm rõ đặc điểm của các dòng lốp xe. Mỗi dòng lốp hiện nay đều có những thế mạnh riêng, khó thể đòi hỏi một dòng lốp hoàn hảo ở mức giá bán phổ thông. Do đó quan trọng nhất là cần lựa chọn được dòng lốp phù hợp, vừa phát huy hiệu suất vận hành cao nhất, lại vừa giữ được độ bền cao của lốp.

Lốp ô tô hiện có rất nhiều loại với những ưu nhược điểm khác nhau nhưng nhìn chung được chia thành 4 nhóm chính:

Lốp mềm, êm ái, ít ồn phù hợp đường đẹp

Dòng lốp này có độ êm ái cao, độ ồn thấp do mềm, rãnh hoa nông, có cấu tạo rãnh dọc đơn giản. Thế mạnh dòng lốp này chủ yếu là đường bằng phẳng, đường đẹp… nên sẽ phù hợp với những xe thường xuyên di chuyển trong khu vực đô thị như sedan, hatchback…
Điểm yếu của lốp mềm và êm là đường sỏi đá, đường xấu nhiều ổ gà, đường địa hình… Khi di chuyển kiểu đường này do lốp mềm, mỏng nên sẽ dễ bị rách, mòn thành, chửa thành, “ăn” đinh… Mặt khác vì rãnh lốp dòng này thường nông, nên độ bám đường sẽ không thực sự tốt nếu di chuyển trên đường xấu.

Một số hãng lốp xe ô tô có thế mạnh dòng này: Michelin, Continental, Goodyear …

Lốp cứng, ồn phù hợp đường xấu

Dòng lốp này thường có đặc điểm cứng, rãnh hoa sâu, có cấu tạo phức tạp. Điều khiến lốp thường có độ ồn lớn, không được êm ái, thậm chí hơi xóc khi qua các gờ giảm tốc, ổ gà…

Tuy nhiên, đổi lại dòng lốp cứng lại phát huy thế mạnh ở các cung đường xấu như đường sỏi đá, nhiều ổ gà… thậm chí là đường đèo núi, địa hình… Dòng lốp này có khả năng chịu tác động lớn, khó rách, khó hư hỏng, khó “ăn” đinh… Vì thiết kế rãnh hoa sâu, phức tạp nên độ bám rất tốt. Nếu thường xuyên di chuyển đường xấu nên ưu tiên chọn dòng lốp này.
Một số hãng lốp xe ô tô có thế mạnh dòng này: Bridgestone, Dunlop…

Lốp hỗn hợp, phù hợp nhiều loại đường

Dòng lốp này không quá cứng để có được độ êm ái nhất định, cũng không quá mềm để có thể di chuyển đường xấu, tăng cường độ bền. Có thể gọi đây là dòng lốp “nằm giữa” dòng lốp mềm và lốp cứng. Ưu điểm của dòng lốp này là vừa có thể di chuyển đường đẹp khá êm ái, độ ồn thấp, lại vừa có thể đi đường xấu… không cần quá lo lốp sẽ bị hư hại.

Tuy nhiên, đã có ưu điểm thì cũng có nhược điểm, khó thể đòi hỏi một dòng lốp quá hoàn hảo. Dòng lốp hỗn hợp này sẽ khó được sự êm ái và độ ồn thấp tối đa như dòng lốp mềm, cũng như khó được độ bền cao, sức chịu tốt như dòng lốp cứng. Cả 2 mặt đều ở mức tương đối.

Một số hãng lốp ô tô thuộc dòng này: Yokohama, Maxxis, Toyo…

Lốp hiệu suất cao, lốp đặc chủng

Đây là dòng lốp xe ô tô được thiết kế riêng cho từng điều kiện sử dụng nhất định như đường sa mạc, đường tuyết hoặc đường đua F1. Các mẫu xe du lịch thường ít khi sử dụng dòng lốp này bởi giá cao trong khi lại khó khai thác được tối đa công dụng, tính năng.

Nắm rõ được 4 nhóm lốp xe hơi trên sẽ giúp bạn chọn được loại lốp ô tô phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, trong vấn đề chọn lốp xe ô tô, còn có một số câu hỏi thắc mắc thường gặp như:

Lốp ô tô nào đi êm nhất?

Như đã nói ở trên, yếu tố quyết định độ ồn lốp là độ mềm, cứng của lốp. Những loại lốp mềm thường êm ái, độ ồn thấp hơn so với các loại lốp cứng. Một so sánh dễ thấy nhất là lốp Michelin êm hơn do lốp mềm, trong khi lốp Bridgestone do cứng nên ồn hơn.

Bên cạnh đó, tiếng ồn của lốp xe ô tô còn phát ra từ rãnh hoa lốp (còn gọi là gai lốp hay ta lông). Khi xe vận hành, xét trên một vòng xoay, rãnh hoa sẽ hút không khí vào các rãnh rồi nén xuống mặt đường. Khi mặt rãnh hoa rời khỏi mặt đường, không khí bị nén sẽ lập tức bật ra tạo nên âm thanh. Cấu trúc rãnh hoa càng phức tạp, rãnh càng sâu thì không khí bị hút vào càng nhiều, tiếng ồn sẽ càng lớn. Các kiểu rãnh hoa dạng vấu thường ồn hơn rãnh hoa gân dọc.

Yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến độ ồn của lốp là độ rộng hay diện tích tiếp xúc mặt đường của lốp. Lốp có bề ngang càng lớn thì sẽ ồn hơn do ma sát lớn.

Yếu tố thứ tư là vật liệu làm lốp. Dù lốp ô tô đa phần đều làm từ cao su, nhưng mỗi hãng lại có thành phần cấu tạo khác nhau. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến độ ồn của lốp.

Lốp xe ô tô nào êm ái giảm độ ồn?

Từ các phân tích trên có thể thấy, nếu muốn mua lốp xe ô tô êm ái, độ ồn thấp nên ưu tiên chọn những loại lốp mềm, có rãnh hoa gân dọc đơn giản. Đây thường là đặc điểm của dòng lốp thiết kế riêng cho điều kiện đường sá đô thị, đường đẹp, bằng phẳng.

Dòng lốp này sẽ di chuyển rất êm ái nhưng lại có nhược điểm nếu thường xuyên di chuyển đường sỏi đá, ổ gà, đường xấu… sẽ dễ bị rách, chửa thành, mòn nhanh, ăn đinh… Lốp này có độ bám đường xấu không tốt bằng dòng lốp cứng, kiểu rãnh hoa vấu hay khối.

Trong các hãng lốp ô tô phổ biến trên thị trường Việt Nam, lốp ô tô Michelin được đánh giá sở hữu độ êm ái cao. Ngoài ra, một số hãng lốp ô tô khác cũng nổi tiếng với độ êm ái cao và độ ồn thấp như: lốp ô tô Continental, lốp ô tô Goodyear, lốp ô tô Pirelli…

Lốp ô tô nào bền nhất?

Độ bền của lốp ô tô được quyết định bởi rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng trong đó quan trọng nhất là 2 yếu tố: lốp và cách lựa chọn & sử dụng.

Xét đến độ bền của lốp, người ta sẽ thường dựa trên các yếu tố như khả năng chịu tác động, khả năng chịu nhiệt… So sánh giữa các dòng lốp ô tô (ngoại trừ dòng lốp hiệu suất cao) thì dòng lốp cứng có độ bền tốt nhất. Nhưng đổi lại lốp cứng sẽ có nhược điểm hơi ồn đến khá ồn.

Ngoài ra, độ bền còn quyết định nhiều bởi cách lựa chọn và sử dụng lốp. Cần lựa chọn đúng dòng lốp phù hợp với cung đường thường xuyên di chuyển. Nếu chọn dòng lốp mềm mà đi đường xấu, đường ổ gà… thì lốp dù tốt đến mấy cũng nhanh hỏng.

Trong các hãng lốp ô tô hiện nay, lốp ô tô Bridgestone được nhiều người đánh giá sở hữu độ bền cao nhất. Ngoài ra, một số hãng lốp ô tô khác cũng nổi tiếng về độ bền như: lốp ô tô Dunlop, lốp ô tô Pirelli, lốp ô tô Michelin (cũng rất bền nhưng dưới điều kiện di chuyển đường đẹp)…

Chọn kiểu rãnh và kiểu hoa lốp ô tô phù hợp

Bên cạnh chất lượng, hiệu suất vận hành của lốp ô tô còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi kiểu rãnh và kiểu hoa lốp xe. Mỗi kiểu rãnh và kiểu hoa lốp sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Tuỳ vào nhu cầu sử dụng có thể chọn kiểu rãnh và kiểu hoa lốp phù hợp.

Rãnh lốp là các đường khoét sâu còn hoa lốp là phần nhô nổi do các đường khoét sâu tạo thành.

Các loại kiểu rãnh lốp

Có 3 kiểu rãnh lốp phổ biến, bao gồm:

Rãnh dọc: Đây là kiểu rãnh đơn giản nhất. Ưu điểm: tăng khả năng thoát nước; giảm tối đa sức cản; chống trượt; độ ồn thấp nhất (do không khí nén ít). Phù hợp với xe di chuyển trong đô thị, đường đẹp, đường trường…

Rãnh vấu: Kiểu rãnh này có hình các vấu, móc, thường bố trí ở mép lốp, có hướng vuông với mép. Ưu điểm: tăng lực kéo; tăng độ bám. Nhưng khả năng chống trượt ngang thấp, độ ồn lớn. Phù hợp với xe di chuyển tốc độ chậm, đi đường xấu, đường không được trải nhựa, địa hình gồ ghề…

Rãnh giun: Kiểu rãnh này là các đường uốn éo giống con giun. Ưu điểm: tăng cao tính năng dẫn động; tăng hiệu quả phanh; giảm trượt dài, trượt quay. Kiểu rãnh này thường mòn nhanh hơn các kiểu kia.

Các loại lốp ô tô thường ít khi sử dụng một kiểu rãnh mà thường kết hợp nhiều kiểu rãnh với nhau, nhưng trong đó sẽ chọn một kiểu rãnh làm chủ đạo (thường bố trí ở vị trí trung tâm).

Các loại kiểu hoa lốp

Hoa lốp được khá nhiều người quan tâm. Bởi kiểu hoa lốp vừa ảnh hưởng đến khả năng vận hành của lốp lại vừa ảnh hưởng ít nhiều đến mặt thẩm mỹ xe.

Hoa lốp xương sườn (Rib Shape): Kiểu rãnh dọc ở trung tâm, rãnh vấu ở hai bên. Ưu điểm: lực cản nhỏ, ổn định cao – kiểm soát tốt, chống trượt ngang tốt. Nhược điểm: khả năng gia tăng tốc độ kém, khả năng hỗ trợ phanh chưa tốt. Phù hợp: xe chạy đường nhựa, bánh trước xe tải/xe buýt.
Hoa lốp định hướng (Directional): Kiểu rãnh dọc ở trung tâm, rãnh giun ở hai bên đều hướng về cùng 1 hướng. Ưu điểm: thoát nước tốt, hỗ trợ phanh hiệu quả. Phù hợp: xe chạy tốc độ cao, xe chạy đường ướt – đường mưa. Cần chú ý lắp đúng hướng.
Hoa lốp hình giun (Lug Shape): Không có rãnh dọc mà chỉ những rãnh giun chạy ngang và dọc mặt lốp. Ưu điểm: bám đường rất tốt, khả năng kiểm soát tốt, hỗ trợ phanh tốt. Nhược điểm: lực cản cao, ồn. Phù hợp: xe chạy đường xấu, địa hình gồ ghề, tốc độ chậm.
Hoa lốp giun kết hợp xương sườn (Rib-Lug Shape): Kết hợp kiểu rãnh dọc và rãnh giun. Ưu điểm: định hướng tốt, tăng cường khả năng phanh, tăng cường độ bám đường, chống trượt dọc. Phù hợp: xe chạy được đẹp lẫn đường xấu.
Hoa lốp bất đối xứng (Asymmetric): Kiểu hướng rãnh khác nhau ở mỗi bên lốp. Ưu điểm: chống trượt khi cua ở tốc độ cao, ít mòn ở vùng ngoài lốp. Chú ý lắp đúng mặt ngoài và trong. Phù hợp: xe thể thao, xe đua…

Chọn kích cỡ lốp phù hợp với mâm xe

Kích cỡ lốp và mâm (lazang) thường được nhà sản xuất ghi ở bệ cửa ghế lái và trong sổ hướng dẫn sử dụng xe. Chủ xe có thể tra cứu tại đây để biết rõ kích cỡ lốp của ô tô mình. Thông số kỹ thuật lốp thường được ghi ở dạng:

(Chiều rộng lốp)/(Tỷ lệ chiều cao/chiều rộng)-(cấu trúc lốp)-(đường kính mâm)

Ví dụ: 165/65/R14

·         Chiều rộng lốp: 165

·         Tỷ lệ chiều cao và chiều rộng: 65

·         Cấu trúc lốp: R tương ứng với cấu trúc Radial – đây là cấu trúc phổ biến nhất

·         Đường kính mâm: 14 inch

Kích cỡ bánh lốp xe có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề truyền động, độ bền động cơ, hiệu quả phanh và tuổi thọ lốp… Mặt khác theo quy định pháp luật, bánh lốp xe phải đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe. Do đó khi mua lốp xe ô tô cần lựa chọn đúng kích cỡ theo thông số kỹ thuật.

Chú ý phân biệt lốp thật giả

Lốp xe ô tô “dỏm”, nhái, giả, lốp cũ “gắn mác” lốp mới… xuất hiện không ít trên thị trường, gây nhiều hoang mang cho người dùng. Vậy làm sao để phân biệt lốp thật giả?

Xem các ký hiệu in trên lốp

Cách phân biệt lốp ô tô thật giả là xem các ký hiệu trên lốp xe:

  • Độ sắc nét: Lốp thật in rõ nét, lốp giả thường mờ
  • Độ chính xác: Lốp thật in đúng nội dung chi tiết của lốp, lốp giả in thiếu hoặc sai thông tin

Xem vạch thể hiện độ mòn T.W.I

Trên lốp ô tô mới thường in một dòng chữ T.W.I cùng một mũi tên hình tam giác bên cạnh để giúp xác định độ mòn lốp. Với lốp ô tô thật, lốp mới khoảng cách giữa ký hiệu này với mép lốp là 50 mm. Với các lốp nhái và lốp cũ bị làm giả thì do lốp không đúng thông số hay đã bị mòn nên khoảng cách giữa mũi tên này với mép lốp thường ít hơn 50 mm.

Trong trường hợp mũi tên cũ bị xoá và được vẽ lại thì việc quan sát và nhận biết sẽ khó khăn hơn. Mũi tên cũ đã bị xoá sẽ không thể tìm thấy trên bề mặt lốp. Lúc này chỉ có thể đánh giá dựa vào cảm quan, độ sắc nét của mũi tên. Do sự khác biệt về công nghệ, nên mũi tên in giả sẽ không sắc nét và đẹp như các ký hiệu dập trên máy.

Chà lên bánh xe

Sau khi sử dụng tầm 10 – 15 km, có thể dùng khăn giấy trắng chà mạnh lên thành bánh xe, nhất là các vị trí in thông số. Nếu chỉ thấy bùn đất thì đây là lốp thật. Còn nếu thấy bùn đất và cả bột màu đen thì đây là lốp giả hoặc lốp cũ được đổi thông số kỹ thuật.

KINH NGHIỆM BẢO DƯỠNG, KÉO DÀI TUỔI THỌ LỐP XE Ô TÔ

Nguyên nhân lốp ô tô nhanh hỏng, lốp mòn không đều

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của lốp, trong đó có thể kể đến:

Điều kiện đường sá: Gờ giảm tốc, đường xấu (đường sỏi đá, bùn lầy, ổ gà…), vật sắc nhọn, lề đường…

Thời tiết, khí hậu: Nhiệt độ, nắng, mưa…

Môi trường: Khói bụi, dầu, mỡ, các chất hoá học khác…

Thói quen lái xe: Tăng tốc đột ngột, phanh gấp…

Sử dụng và bảo dưỡng:

  • Chọn loại lốp không phù hợp với điều kiện sử dụng
  • Vận hành sai tốc độ và tải trọng của lốp
  • Áp suất lốp không đúng chuẩn
  • Sử dụng lốp có kích cỡ không tương thích – kết hợp nhiều loại lốp
  • Không kiểm tra, bảo dưỡng lốp định kỳ
  • Không kịp thời phát hiện những điều bất thường ở lốp…

Tránh được các yếu tố trên là bí quyết lớn nhất để kéo dài tuổi thọ cho lốp xe ô tô.

Một số nguyên nhân khiến lốp ô tô mòn không đều:

  • Lốp mòn ở giữa: Lốp quá căng
  • Lốp mòn ở 2 bên: Lốp non hơi
  • Lốp mòn nhiều ở cạnh trong hoặc cạnh ngoài: Độ chụm dương quá lớn
  • Lốp mòn vẹt một bên: Góc camber nghiêng quá mức vào trong hoặc ra ngoài
  • Lốp mòn đốm phẳng, lõm chéo: Bánh không cân bằng
  • Lốp mòn đốm, biến dạng hình chén: Giảm xóc kém, hệ thống treo lỏng hoặc mòn
  • Lốp mòn hình vỏ sò, răng cưa hoặc hình lông chim: Thước lái cân chỉnh không chuẩn

Kinh nghiệm bảo dưỡng lốp ô tô

Để đảm bảo được hiệu suất vận hành cao nhất của lốp đồng thời kéo dài tuổi thọ sử dụng lốp, nên chú ý bảo dưỡng lốp ô tô định kỳ:

  • Kiểm tra áp suất lốp tối thiểu 1 tháng/lần
  • Kiểm tra hoa lốp lốp tối thiểu 1 – 3 tháng/lần, nếu phát hiện những dấu hiệu lốp ô tô bị mòn bất thường cần mang xe đi kiểm tra ngay
  • Đảo lốp ô tô định kỳ 6 tháng/lần

Áp suất lốp ô tô

Đơn vị đo áp suất lốp được sử dụng phổ biến là Psi (1 kg/cm2 = 14,2 Psi). Ngoài ra, nhiều nơi còn sử dụng đơn vị đo áp suất lốp khác là Bar (30 Psi = 2,1 Bar).

Lốp ô tô sẽ thoát khí tự nhiên theo thời gian, thường khoảng 1 Psi trên 1 inch vuông/tháng. Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khiến lốp bị thoát khí như: thủng lốp, rò rỉ vết vá hoặc rò rỉ đầu van, rò rỉ tanh lốp…

Khi nào nên kiểm tra áp suất lốp ô tô?

Để đảm bảo vận hành an toàn, nên kiểm tra áp suất lốp ô tô:

  • Định kỳ 1 tháng/lần
  • Trước những chuyến đi dài, đi xa
  • Nhận thấy các dấu hiệu bất thường từ lốp như xe rung, lốp mềm, lốp mòn thành, mòn đốm, mòn ở giữa…

Áp suất lốp ô tô bao nhiêu là đủ?

Áp dụng lốp tiêu chuẩn của các dòng xe sedan/hatchback cỡ nhỏ và cỡ trung thường khoảng 30 – 40 Psi, xe SUV/crossover/MPV thường khoảng 45 Psi. Để biết chính xác áp suất lốp ô tô chuẩn, bạn có thể xem trên thành khung cửa ở ghế lái, sổ hướng dẫn sử dụng xe hoặc trên thành lốp. Tại các vị trí này có ghi rõ áp suất lốp ô tô nhà sản xuất khuyến cáo cho người dùng.

Cách kiểm tra áp suất lốp ô tô

Để kiểm tra áp suất lốp ô tô có dùng đồng hồ đo áp suất hoặc cảm biến áp suất lốp. Một số dòng xe được trang bị sẵn cảm biến áp suất lốp, người lái có thể thường xuyên theo dõi tình trạng lốp. Với những xe không có cảm biến, có thể tự đo bằng đồng hồ đo áp suất lốp dạng kim hoặc điện tử.

Thời điểm kiểm tra áp suất lốp ô tô chính xác và an toàn nhất là khi lốp nguội, tốt nhất là sau khi sử dụng ít nhất từ 2 – 3 giờ, hoặc xe đi tốc độ chậm dưới 3 km.

Cách kiểm tra áp suất lốp ô tô rất đơn giản. Chỉ cần tháo nắp van, ấn đồng hồ đo lên đầu van đến khi tiếng xì khí biến mất, xem vạch đo cao nhất. Sau đó so sánh với áp suất khuyến cáo từ nhà sản xuất. Nếu áp suất lốp thực tế thấp hơn áp suất lốp tiêu chuẩn thì cần bơm lốp, nếu cao hơn cần xả bớt khí.

Một số lưu ý quan trọng:

  • Nếu đo áp suất lốp khi lốp còn nóng thì nên thêm 4 – 5 Psi vào giá trị áp suất đo được.
  • Không được tháo van, cho xì hơi lốp khi lốp đang nóng

Những lưu ý về áp suất lốp ô tô và bơm lốp ô tô

  • Lốp xe quá mềm (non hơi, thiếu hơi) giảm từ 30% tuổi thọ lốp

Lốp ô tô quá mềm, bị thiếu hơi sẽ khiến: lốp mòn không đều (chủ yếu mòn hai bên), tăng diện tích tiếp xúc dẫn đến tăng lực cản gây tốn nhiên liệu, xe kém linh hoạt, dễ ảnh hưởng đến mâm xe nếu đi đường dằn xóc mạnh… Theo tính toán, lốp thiếu hơi quá 20% so với con số tiêu chuẩn sẽ làm giảm 30% tuổi thọ lốp.

  • Lốp xe quá căng (thừa hơi) giảm từ 45% tuổi thọ lốp

Lốp ô tô quá căng sẽ khiến: nhanh mòn ở phần giữa, tăng nguy cơ bị nổ, giảm độ bám, giảm khả năng hấp thụ dằn xóc… Theo tính toán, lốp thừa hơi quá 30% so với con số tiêu chuẩn sẽ làm giảm 45% tuổi thọ lốp.

  • Để lốp êm hơn, giảm ồn có thể giảm áp suất lốp so với mức tiêu chuẩn

Đây là một mẹo mà nhiều người dùng ô tô chia sẻ. Nếu xe chủ yếu di chuyển đường trong nội thành bằng phẳng, không đi sỏi đá, ổ gà… có thể giảm hơi một chút so với tiêu chuẩn để xe đi êm hơn, giảm ồn. Tuy nhiên áp dụng cách này phải chấp nhận tăng mức tiêu hao nhiên liệu (không nhiều) bởi theo nghiên cứu, cứ 1 Psi áp suất giảm sẽ khiến xe tốn thêm 0,3% nhiên liệu.

  • Cân nhắc bơm lốp ô tô bằng khí Nitơ

Khá nhiều người phân vân không biết có nên bơm lốp ô tô bằng khí Nitơ không. Trong không khí bình thường, khí Nitơ chiếm 76%, Oxy 21% và 3% còn lại là các khí khác. Nếu bơm lốp ô tô bằng khí Nitơ tinh khiết (độ tinh khiết 92 – 98%) theo nghiên cứu sẽ đem đến nhiều lợi ích: duy trì áp suất tốt hơn (do cấu tạo phân tử Nitơ lớn hơn Oxy nên khó thoát), tiết kiệm nhiên liệu hơn (do áp suất được duy trì), tăng tuổi thọ lốp (khí Nitơ không làm tăng độ ẩm bên trong lốp).

Một số lưu ý khi bơm lốp ô tô bằng Nitơ: cần rút sạch không khí trong lốp trước khi bơm khí Nitơ lần đầu, chọn địa điểm bơm khí Nitơ tinh khiết uy tín, giá bơm lốp khí Nitơ thường tầm 100.000 đồng/xe (nếu quá rẻ có thể là khí Nitơ giả)…

Đảo lốp ô tô

Đảo lốp ô tô định kỳ sẽ giúp các lốp xe ô tô mòn đều, cải thiện hiệu suất vận hành lốp, tận dụng tối đa tuổi thọ của cả 4 lốp, đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Tại sao phải đảo lốp ô tô?

Nguyên nhân đảo lốp ô tô là vì sự phân bố khối lượng ở các trục xe ô tô thường không đều khiến lốp mòn không đều giữa 4 lốp.

Đa phần xe hơi du lịch đều bố trí động cơ ở phía trước khiến trục trước chịu tải nặng hơn trục sau. Bên cạnh đó, với xe dẫn động cầu trước, 2 bánh trước sẽ mòn nhanh hơn do làm nhiệm vụ dẫn động, điều hướng. Ngoài ra, Việt Nam là nước giao thông về bên phải nên lốp xe bên trái sẽ thường mòn nhiều hơn do khi rẽ, lốp xe bên trái trải qua hành trình dài hơn lốp bên phải. Trong khi đó, mặt hông của lốp xe bên phải thường mòn hơn do thường xuyên chạm vỉa hè khi đỗ đậu xe.

Khi nào nên đảo lốp ô tô?

Theo các chuyên gia, lốp ô tô nên đảo định kỳ 6 tháng/lần hoặc sau mỗi 7.000 – 12.000 km tuỳ theo loại lốp. Hầu như các hãng sản xuất lốp đều có khuyến cáo người dùng thời gian đảo lốp cụ thể.

Sơ đồ đảo lốp ô tô

Mỗi loại hệ thống dẫn động ô tô sẽ có sơ đồ đảo lốp khác nhau. Ngoài ra, sơ đồ cũng sẽ khác nếu muốn đảo lốp kèm cả lốp dự phòng.

Sau đây là sơ đồ đảo lốp xe ô tô:

Một số lưu ý khác khi đảo lốp ô tô:

  • Lốp bố toả tròn, lốp định hướng chỉ đảo lốp trước và sau, không đảo sang trái – phải, không dùng lốp dự phòng.
  • Chú ý không nhầm lẫn giữa lốp mảnh hướng tâm và lốp mảnh chéo.
  • Cân bằng động cho từng lốp trước khi đảo lốp
  • Cân chỉnh lại độ chụm các bánh xe sau khi đảo lốp

Cân bằng lốp ô tô

Lốp và mâm xe trong quá trình sản xuất sẽ có sai số nhất định, điều này khiến trọng lượng phân bố trên toàn bộ bề mặt lốp không đều, sẽ có chỗ nhẹ, chỗ nặng hơn. Dù thông thường mức chênh lệch này chỉ khoảng vài gam nhưng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ, khiến xe dễ bị nảy, rung lắc, động cơ làm việc nhiều, tuổi thọ lốp giảm…

Để khắc phục điều này, người ta sẽ cân bằng động cho bánh xe, bù sai lệch bằng cách gắn các miếng chì, đảm bảo trọng lượng của bánh xe để phân bố đều. Để cân bằng động lốp ô tô chính xác cần có sự hỗ trợ của máy cân bằng lốp.
Khi nào cần căn bằng động bánh xe ô tô?

Những trường hợp cần cân bằng động bánh xe ô tô:

  • Khi thay lốp ô tô
  • Khi đảo lốp ô tô
  • Khi miếng chì gắn trên bánh xe bị dịch chuyển hoặc rơi mất
  • Khi xe có các dấu hiệu nảy, lắc, rung bất thường, cần kiểm tra ngay