Trong quá trình xây dựng đường nối giữa đường cao tốc và một thành phố, các nhà khảo cổ Romania đã tình cờ phát hiện ra một ngôi mộ cổ xa hoa của một nữ chúa bí ẩn, mở đường cho cả một cụm di tích vĩ đại.
Theo Heritage Daily, ngôi mộ cổ bí ẩn được xác định thuộc về nền văn hóa Tiszapolgár (năm 4500 – 4000 trước Công Nguyên), là một nền văn hóa thời kỳ đồ đá cũ trải rộng trên một vùng rộng lớn ngày nay là nhiều quốc gia Đông Âu và Trung Âu.
Ngôi mộ cổ được phát hiện tình cờ trong quá trình xây dựng con đường mới nối thành phố Oradea với đường cao tốc A3, gần xã Biharia ở hạt Bihor, Crișana, Romania.
Tiến sĩ Călin Ghemiş từ Bảo tàng Tarii Crisurilor, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu từ Romania và Hungary cho biết, trong mộ là hài cốt phụ nữ. Bà được chôn cất với 169 chiếc nhẫn vàng trang trí trên tóc, cùng với một chiếc vòng đồng gồm nhiều tầng, 2 hạt vàng và khoảng 800 hạt đánh bóng làm từ xà cừ.
Các món trang sức được tìm thấy trong mộ cổ của vị nữ chúa bí ẩn. (Ảnh: Bảo tàng Tarii Crisurilor)
Các hạt trang sức này có thể đến từ các món đồ như dây chuyền hoặc chuỗi vòng tay, nhưng vật liệu nối chúng đã bị đứt.
Nhóm nghiên cứu cho biết, chưa bao giờ nhiều vàng như vậy được tìm thấy trong một ngôi mộ từ thời đồ đồ đá ở Romania nói riêng và châu Âu nói chung.
Gabriel Moisa, giám đốc bảo tàng Tarii Crisurilor cho biết, dựa trên nghiên cứu ban đầu về chiều cao và hàm răng nguyên vẹn của người đã khuất, ông tin rằng người phụ nữ trong mộ chắc chắn rất giàu có, có địa vị cao trong xã hội, nhiều người nhận định bà có thể là một nữ chúa hay nữ vương cổ đại.
Hiện các mẫu vật từ ngôi mộ cổ đã được gửi đến các phòng thí nghiệm ở Romania và Hà Lan để xác định niên đại chính xác hơn thông qua phân tích đồng vị carbon phóng xạ, bên cạnh việc lấy mẫu DNA và các nghiên cứu nhân chủng học sâu hơn.
Theo Ancient Origins, nhà khảo cổ Călin Ghemişm, người điều phối khai quật cho biết, ngôi mộ trên ước tính có niên đại 6.500 năm.
Trong cuộc khai quật rộng lớn hơn của dự án, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của 2 ngôi nhà gần thị trấn Sântandrei, chứa đồ gốm từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Họ cũng tìm ra cả một khu định cư của người Sarmatian từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 4 cũng gần Biharia.